Tính năng tự lái của Tesla được minh oan trong vụ tai nạn tại Mỹ

11/02/2023 22:04

Ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ kết luận tính năng Autopilot không được kích hoạt trong suốt quá trình diễn ra vụ tai nạn nghiêm trọng tại bang Texas (Mỹ) hồi năm 2021.

Tính năng Autopilot được kết luận không phải là nguyên nhân vụ tai nạn tại Texas hồi tháng 4/2021. Ảnh: Reuters.

Một ủy ban an toàn của Mỹ vừa xác nhận không tìm thấy bằng chứng cho thấy chiếc Tesla Model S đang hoạt động ở chế độ Autopilot khi vụ tai nạn khiến 2 người tử vong xảy ra hồi tháng 4/2021 tại bang Texas (Mỹ).

Cơ quan này kết luận nguyên nhân có thể do tài xế chạy quá tốc độ, uống rượu say và không kiểm soát được phương tiện.

Theo Reuters, ngay sau thời điểm được báo cáo về vụ việc tại ngoại ô Houston thuộc bang Texas, lực lượng cảnh sát địa phương cho biết họ tin rằng đã không có ai ngồi ở ghế lái chiếc Model S ở thời điểm diễn ra vụ va chạm.

Tình huống này đặt ra câu hỏi về hệ thống hỗ trợ tự lái của Tesla và trở thành nguồn cơn cho hàng loạt tin tức lan truyền trên khắp các phương tiện truyền thông.

Tuy nhiên trong tuần này, Ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ (NTSB) sau khi xem xét các dữ liệu đã kết luận rằng “không có việc sử dụng hệ thống Autopilot tại bất kỳ thời điểm nào trong suốt thời gian sở hữu phương tiện này, bao gồm cả khung thời gian tính đến lúc dữ liệu được truyền lần cuối vào ngày 17/4/2021”.

Tesla đã không phản hồi lập tức yêu cầu bình luận từ Reuters.

che do tu lai Autopilot anh 1

Tính năng Autopilot được minh oan. Ảnh: Reuters.

NTSB mô tả lại tình trạng suy yếu của tài xế ở thời điểm đó do say rượu kết hợp với tác dụng an thần của 2 loại thuốc kháng histamin.

“Bằng chứng hiện có cho thấy tài xế đã ngồi ở ghế lái vào thời điểm xảy ra vụ va chạm và di chuyển sang ghế sau”, NTSB cho biết.

Cơ quan này thừa nhận không thể xác định liệu các cửa xe có thể đóng mở bằng tay sau khi chiếc Model S mất nguồn điện do tai nạn nói trên hay không.

Hồi tháng 10/2021, NTSB xác nhận hai vị trí ở hàng ghế trước đều có người ngồi khi vụ va chạm xảy ra.

“Đoạn phim từ camera an ninh tại nhà chủ xe cho thấy người này tiến vào ghế lái, trong khi một hành khách khác ngồi vào ghế phụ phía trước”, NTSB cho biết.

Theo NTSB, chiếc Model S đã di chuyển trên quãng đường khoảng 168 m trước khi tiến vào khúc cua, lao qua lề đường, đâm vào hố ga, va phải cây và bốc cháy dữ dội.

Vụ tai nạn nói trên đã khiến 2 người thiệt mạng, bao gồm chủ xe William Varner - người vốn là một bác sĩ - cùng với hành khách đi cùng.

che do tu lai Autopilot anh 2

Chiếc Model S cháy trơ khung sau vụ va chạm khiến 2 người trên xe thiệt mạng. Ảnh: Reuters.

Được biết, ông Willam Varner đã cho xe tăng tốc lên gần 108 km/h trên đoạn đường thuộc khu dân cư vốn chỉ cho phép các phương tiện di chuyển tối đa 48 km/h.

NTSB xác nhận các thử nghiệm đã chứng minh rằng hệ thống Autopilot không thể được kích hoạt trên tuyến đường nơi xảy ra vụ va chạm vì nơi đây không có vạch kẻ đường.

Ngoài ra, NTSB cũng loại trừ việc tính năng kiểm soát hành trình phát hiện giao thông Traffic-Aware Cruise Control (TACC) của Tesla có thể hoạt động trên tuyến đường nơi xảy ra va chạm, bởi giới hạn tốc độ của con đường chỉ là khoảng 48 km/h.

Sách hay đọc trên xe

Chuyên mục Xe gửi tới độc giả những tựa sách hay với nhiều chủ đề hấp dẫn. Trên những chặng hành trình với những chiếc xe, không hiếm khi chúng ta có những khoảnh khắc nghỉ ngơi, thư giãn, và những trang sách là người bạn đồng hành lý thú.

Bạn đang đọc bài viết "Tính năng tự lái của Tesla được minh oan trong vụ tai nạn tại Mỹ" tại chuyên mục XE - CÔNG NGHỆ. Mọi thông tin chia sẻ, phản hồi xin gửi về hòm thư (kinhtethitruong.info@gmail.com) hoặc số Hotline 0833558833