Đề xuất lắp mái che vỉa hè ở TPHCM: Nên chăng học theo phố Tràng Tiền?

30/03/2023 12:18

() - "Nên chăng ta hãy coi đại lộ Lê Lợi là tuyến phố thí điểm có mái che cho người đi bộ, như một con phố Tràng Tiền thứ hai trong lòng TPHCM!", một độc giả nêu đề xuất.

Đề xuất làm đường có mái che ở đại lộ Lê Lợi, TPHCM đang là chủ đề được bạn đọc bàn luận sôi nổi. Nhiều bạn đọc cho rằng, lợi ích của người dân và chi tiêu ngân sách hợp lý, thiết thực cần được đặt lên hàng đầu.

Trước đó, Sở Quy hoạch - Kiến trúc có văn bản gửi UBND TPHCM về phương án lắp mái che nắng, che mưa dọc vỉa hè đường Lê Lợi (quận 1), kinh phí khoảng 20-30 tỷ đồng.

Đơn vị này cho rằng, hiện trạng tuyến đường không thể bố trí ngay quang cảnh cây và mảng xanh đủ lớn, đủ dày để tạo bóng mát cho vỉa hè như trước. Do đó, giải pháp hiện nay là tăng cường mái che, vừa che nắng, che mưa, vừa tạo không gian đi bộ thuận lợi cho thương mại, du lịch.

Đề xuất lắp mái che vỉa hè ở TPHCM: Nên chăng học theo phố Tràng Tiền? - 1

Hiện tại, phần vỉa hè đường Lê Lợi (cùng phía chợ Bến Thành) không có cây xanh, mặt đường lát gạch và nắng chiếu trực tiếp xuống khiến khu vực này khá nóng bức (Ảnh: Hải Long).

Phương án mái che được đánh giá sẽ mang lại những hiệu quả nhất định cho tuyến đường Lê Lợi và cả khu vực trung tâm như thay thế dãy cây xanh bị di dời, tạo bóng mát, tạo không gian bên dưới ấm cúng, thân thiện, an toàn cho người đi bộ, khách du lịch, tạo điều kiện kinh doanh cho chủ các dãy nhà và cửa hàng...

Nhiều ý kiến sau đó cũng dẫn chứng về những con đường đi bộ có mái che là một phần quan trọng của kiến trúc đô thị Singapore, Mỹ, Úc hay gần nhất là phố Tràng Tiền ở thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, cũng có những ý kiến lựa chọn phương án khác...

Cây xanh hoặc mái che kết hợp cây xanh!

Khi so sánh với Singapore, độc giả Thanh Sang phân tích sự khác biệt: "Singapore nhỏ xíu, đi bộ xuyên suốt dưới đất là các nhà ga điện ngầm mát lạnh, nếu phải đi trên đường phố thì đủ loại cây xanh, thậm chí còn có hệ thống mái che song song nên việc đi bộ, sử dụng hệ thống phương tiện công cộng như xe điện ngầm, bus, hay taxi đều rất thuận lợi, nắng không tới, mưa chả sao.

Còn đường phố trung tâm TPHCM thì giàn cây xanh lâu năm bị chặt đi để mở rộng đường, triển khai thêm khu dân cư, khu phức hợp (đường Tôn Đức Thắng, Lê Thánh Tôn, Lê Lợi, vv)! Thiết nghĩ phải trồng trả lại hệ thống cây xanh phủ bóng mát trước, rồi sau đó có thể xây dựng thêm hệ thống mái hiên để kết nối tuyến giao thông, để đi tạo tuyến hành lang mua sắm che nắng che mưa cho khách du lịch, khách bộ hành. Nhưng làm gì thì làm, đừng để công trình bị rút ruột, làm sao cho nó bền vững và không giống hàng mã là được".

Đề xuất lắp mái che vỉa hè ở TPHCM: Nên chăng học theo phố Tràng Tiền? - 2

Dù xây dựng nhiều lối đi bộ có mái che, Chính phủ Singapore vẫn chú trọng trồng thêm cây để tăng bóng mát và giảm nhiệt độ (Ảnh: Strait Times).

Độc giả Nguyễn Duy Công: "Trồng cây xanh vẫn là giải pháp lâu dài, rẻ và thân thiện môi trường. Hiện nay ngay cả những dải phân cách cứng cũng không có cây xanh, làm cho con đường tuy mới làm nhưng nhìn nó khô cứng và không thân thiện. Tôi cho rằng làm mái che chỉ hiệu quả trước mắt, tốn chi phí bảo trì, bảo dưỡng và cuối cùng vẫn phải trồng cây".

Độc giả Kiên Hải nêu ý tưởng: "Tôi thấy nên lựa chọn phương án trồng cây cổ thụ kết hợp cây hoa dây leo thay cho phương án lợp mái. Nên tiến hành đồng thời trồng cây cổ thụ và xen kẽ cây hoa dây leo. Cây cổ thụ cần 6-10 năm mới cho bóng mát. Còn cây hoa dây leo chỉ cần 1 năm là có thể cho bóng mát và hoa.

Do đó khi chờ đợi cây cổ thụ phát triển thì cây hoa dây leo có thể cho bóng mát ngay năm sau, tuy nhiên cây hoa dây leo cần phải lắp dựng khung giàn để cây có thể leo, và hệ thống khung giàn cũng có thể kết hợp trang trí hệ thống đèn chiếu sáng phục vụ ban đêm.

Đến 6-10 năm khi cây cổ thụ phát triển và cho bóng mát thì lúc đó cây hoa dây leo sẽ được cắt tỉa để tạo thành cây bon sai xen kẽ các cây cổ thụ. Hệ thống khung giàn cũng có thể tháo dỡ, thu hồi, hoàn lại một phần giá trị đầu tư ban đầu. Cây hoa dây leo có thể chọn cây hoa giấy hoặc hoa tử đằng, đây là loài cây dây leo có thể hóa thân gỗ, lâu dài có giá trị bon sai rất lớn".

"Cây xanh là lá phổi của bất kỳ đô thị nào. Ngoài việc cho bóng mát, cây xanh còn che bụi và hấp thu CO2 giúp làm sạch không khí. Mái che làm được gì ngoài việc che nắng? Mái che hấp thụ nhiệt rất nhanh và cản gió, hơi nóng sẽ phả xuống dưới thì rất ngột ngạt, về mặt mỹ quan thì mái che không đẹp chút nào, hãy để lại vẻ đẹp tự nhiên của thành phố, cần phải nghiên cứu kỹ để làm một cách có hiệu quả nhất. Nếu nhất thiết phải làm mái che thì phải trồng cây leo che kín để đem lại lợi ích bằng một phần nhỏ cây xanh", độc giả Thùy Minh nêu quan điểm.

"Tôi lại cho rằng tuyến đường này vì có hầm Metro nên không thể trồng cây to, cây cổ thụ. Do đó nếu muốn tạo không gian xanh thì chọn loại cây nào phù hợp là vấn đề cần đóng góp rất nhiều ý kiến chứ không đơn giản. Tôi cho rằng làm mái che kết hợp với trồng cây xanh là được. Khí hậu nắng mưa bất thường như Việt Nam cây xanh vẫn là tốt nhất hữu ích nhất! Riêng mái che lựa chọn vật liệu bền vững lâu dài như inox, thép không gỉ... mái che dùng kính cường lực hoặc nhựa cao cấp...", độc giả Quang Tuyến bày tỏ.

Bên cạnh những quan điểm xoay quanh việc nên trồng cây hay lắp mái che, có độc giả cho rằng nên tập trung vào khu vệ sinh công cộng, vấn đề này quan trọng hơn rất nhiều, như ý kiến độc giả Nguyen Cuong: "Trước khi bắt chước nước ngoài chúng ta cần phải biết mình là ai, nếu không cứ làm một thời gian sau mái che trở thành đống sắt vụn gây cản trở nguy hiểm cho chính người tham gia giao thông. Trước hết hãy quan tâm làm nhà vệ sinh trong thành phố, nhà trú tạm cho du khách trước khi nghĩ đến làm mái che mưa nắng cho đường bê tông...".

Thí điểm đại lộ Lê Lợi thành phố Tràng Tiền thứ hai?

Độc giả Thanh Long cho biết, thực ra chúng ta có đường có mái che vỉa hè từ rất lâu rồi, từ thời Pháp, đó là phố Tràng Tiền. Hiện nay phố Tràng Tiền vẫn là phố có mái che ở vỉa hè cho người đi bộ và vẫn rất đẹp.

Đề xuất lắp mái che vỉa hè ở TPHCM: Nên chăng học theo phố Tràng Tiền? - 3

Đoạn ngã ba Tràng Tiền - Nguyễn Xí, với dãy phố đi bộ có mái che. (Ảnh: Hữu Nghị)

Đồng quan điểm, độc giả Hải Hà tiếp nối câu chuyện: "Có thể nói, Tràng Tiền là một trong số ít con phố đẹp nhất của Hà Nội. Ngoài vị trí đặc biệt là nằm ở trung tâm của thủ đô thì mỗi công trình, ngôi nhà, góc phố ở đây đều có giá trị về mặt nghệ thuật.

Ở phố Tràng Tiền, người ta đã chặt bỏ toàn bộ cây xanh trồng trước đó, để không làm vướng tầm nhìn từ phía Hồ Gươm và ngược lại. Thay vào đó, hầu hết hai bên dãy phố đều được người Pháp thiết kế có mái hiên đủ che hết vỉa hè rộng đến 3-5 mét (nhiều đoạn còn có hàng cột chống).

Mái che này rất thuận tiện cho người đi lại tránh mưa, tránh nắng. Còn Tràng Tiền nhờ vậy, trông lại chẳng khác nào một phố cổ ở Paris.

Hơn 90 năm đã trôi qua, những mái hiên che kín vỉa hè chạy ngang theo các căn nhà hiện vẫn đang tồn tại cùng thời gian. Tràng Tiền, vì thế trở thành phố duy nhất tại Hà Nội có hệ thống mái che độc đáo và ấn tượng cùng những dãy nhà hai tầng đặc trưng theo nguyên bản được xây dựng từ đầu thế kỷ XX.

Nên chăng ta hãy coi đại lộ Lê Lợi là tuyến phố thí điểm có mái che cho người đi bộ, như một con phố Tràng Tiền thứ hai trong lòng TPHCM!".

"Ở trung tâm TPHCM, như đường Lê Lợi chẳng hạn, mật độ người đi bộ trên vỉa hè rất đông. Nên đi bộ dưới mái che luôn tạo sự an tâm, an toàn, sạch sẽ hơn là đi bộ dưới hàng cây cao rụng đầy lá và nguy hiểm.

Khi đề xuất lắp mái che không thì tôi đã phản đối nhưng đến giờ khi kết hợp với trồng cây xanh thì tôi đồng tình. Nhưng mái che phải thẩm mỹ và chăm sóc bảo dưỡng, nếu không sẽ nhếch nhác lắm!", độc giả Mai Trang lập luận.

Bạn đang đọc bài viết "Đề xuất lắp mái che vỉa hè ở TPHCM: Nên chăng học theo phố Tràng Tiền?" tại chuyên mục Tin tức - Sự kiện. Mọi thông tin chia sẻ, phản hồi xin gửi về hòm thư (kinhtethitruong.info@gmail.com) hoặc số Hotline 0833558833