Tp.HCM: Giáo viên loay hoay đối mặt với khó khăn khi dạy môn tích hợp

05/10/2022 11:01

Triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, cũng như giáo viên trên cả nước, các giáo viên tại Tp.HCM gặp áp lực khi công việc giảng dạy có nhiều mới mẻ.

Bỡ ngỡ dạy học “3 trong 1”

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã đưa 2 môn học tích hợp (Khoa học tự nhiên, Lịch sử - Địa lý) vào giảng dạy ở bậc THCS trong năm học 2021-2022 đối với lớp 6, từ năm học 2022 – 2023 triển khai đối với lớp 7 và dần dần bắt đầu cuốn chiếu với lớp 8 và lớp 9.

Cụ thể, môn Vật lý, Hóa học và Sinh học được tích hợp thành môn Khoa học Tự nhiên. Còn môn Lịch sử và Địa lý được tích hợp vào cùng một môn thành môn Lịch sử - Địa lý.

Tại các trường trung học cơ sở tại Tp.HCM, việc giáo viên đơn môn chuyển sang giáo viên đa môn, có thể dạy được thêm 1 đến 2 môn nữa, ngoài môn chuyên ngành được đào tạo ở trường sư phạm là vấn đề nan giải.

Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Cao Đức Khoa, Hiệu trưởng Trường THCS Huỳnh Khương Ninh, quận 1, Tp.HCM cho biết, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, các giáo viên dạy môn tích hợp đã được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, và được cấp chứng chỉ công nhận của cơ quan có thẩm quyền cấp.

Tuy nhiên, theo ông Khoa, việc một giáo viên dạy 2- 3 phân môn như vậy trong một môn tích hợp khiến giáo viên khó nắm hết các nội dung của phân môn, vì nằm ngoài chuyên ngành được đào tạo ở giảng đường đại học.

“Để giải quyết được việc này, điều cần thiết là hàng tuần, giáo viên của trường đều được trao đổi, họp chuyên môn trong tổ để nhằm tháo gỡ những vấn đề còn khúc mắc trong việc soạn bài giảng”, ông Khoa nói.

Giáo dục - Tp.HCM: Giáo viên loay hoay đối mặt với khó khăn khi dạy môn tích hợp

Việc đào tạo đơn môn nhưng giảng dạy đa môn khiến giáo viên môn tích hợp gặp rất nhiều khó khăn.

Bà Dương Hữu Nghĩa, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Lợi, quận 3, Tp.HCM cho rằng, điều khó nhất của việc dạy môn tích hợp trong chương trình mới đó là cách làm còn mới mẻ nên “các thầy cô phải tiếp cận từ từ, vừa dạy vừa rút kinh nghiệm để hoàn thiện”.

Tại đơn vị này, nhà trường bố trí đầy đủ giáo viên môn Khoa học Tự nhiên nhưng môn Lịch sử - Địa lý lại thiếu giáo viên nên phải thỉnh giảng thêm.

Bà Nghĩa chia sẻ: “Thời gian mới áp dụng chương trình mới cho lớp 6 vào năm học trước, giáo viên của trường còn nhiều e dè, lo ngại khi được phân công dạy cả các phân môn trong môn tích hợp, và cũng có người có ý kiến chỉ dạy từng phân môn riêng”.

Nhưng rồi trường THCS Lê Lợi vẫn cố gắng sắp xếp, bồi dưỡng và động viên các giáo viên làm quen với cách dạy mới. Bởi lẽ, nếu vẫn dạy từng môn riêng biệt thì sẽ gây ra khó khăn cho học sinh khi học tập.

Cần vượt qua “lối mòn” để thay đổi

Trước các khó khăn của giáo viên trên địa bàn, lãnh đạo Sở GD&ĐT Tp.HCM đã có những chia sẻ về thực tế này và các giải pháp giúp giáo viên tích hợp tự tin hơn đứng lớp, đảm bảo mục tiêu chương trình GDPT 2018.

Ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Tp.HCM chỉ ra, khi triển khai chương trình GDPT 2018, các trường sư phạm chưa có mã ngành, chưa bắt đầu quá trình đào tạo giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên và Lịch sử - Địa lý.

“Do vậy, việc sử dụng đội ngũ giáo viên hiện có (giáo viên đơn môn) là một tất yếu. Địa phương đã cùng ĐH Sài Gòn xây dựng chương trình và triển khai bồi dưỡng để đáp ứng yêu cầu dạy học các môn này”, ông Quốc nói.

Thừa nhận sự khó khăn, lúng túng của các giáo viên, ông Quốc trấn an: “Để có sự phát triển, chúng ta phải chấp nhận có sự thay đổi. Vấn đề đặt ra là khi thay đổi, các trường học và giáo viên nhận thức được các thuận lợi và khó khăn để vượt qua”.

Bộ GD&ĐT đã chú ý tập huấn bồi dưỡng theo định hướng đổi mới; các tổ, nhóm chuyên môn phải đổi mới sinh hoạt chuyên môn theo định hướng nghiên cứu bài học; tinh thần hợp tác, chia sẻ cần được phát huy.

Từ đó, Tp.HCM tăng cường thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá, dạy học tích hợp liên môn, dạy học theo chủ đề đón đầu những thay đổi.

Đặ biệt, chủ thể trong quá trình dạy học là học sinh; chủ thể trong việc tổ chức hoạt động học là giáo viên và yếu tố quản lý, thúc đẩy, tạo điều kiện để việc thay đổi được thực hiện hiệu quả là nhà tổ chức, quản lý trường học.Vì thế, để giải quyết và đảm bảo sự thành công của chương trình, nhất là ở các môn học mới cần phải tiến hành nhiều giải pháp đồng bộ.

Trước hết, người dạy cần ý thức nguy cơ tụt hậu, không đáp ứng được yêu cầu của chương trình, vượt qua “lối mòn” của phương pháp dạy học cũ; chấp nhận thay đổi để tiến bộ.

Nhà quản lý cần xây dựng “không gian” vật lý với trường lớp, phòng học bộ môn, thư viện, SGK, tài liệu tham khảo, không gian tổ chức hoạt động đổi mới dạy học để tạo thuận lợi cho hoạt động dạy học trực tiếp; đầu tư hệ thống quản lý học tập (LMS), hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, xây dựng chính sách hỗ trợ người học, người dạy giúp quá trình dạy học theo định hướng đổi mới được thuận lợi.

Nhất là về phía người học phải chủ động thay đổi, được tạo điều kiện để thay đổi từ việc học theo thầy, cô, dựa vào những kiến thức, kỹ năng do thầy cô cung cấp phải chuyển mạnh sang hướng tăng cường tự học, học theo hướng dẫn, học trên các hệ thống quản lý học tập (LMS), trên tài liệu, SGK, tư liệu, internet, học qua thảo luận, trao đổi.

Bạn đang đọc bài viết "Tp.HCM: Giáo viên loay hoay đối mặt với khó khăn khi dạy môn tích hợp" tại chuyên mục GIÁO DỤC - SỨC KHỎE. Mọi thông tin chia sẻ, phản hồi xin gửi về hòm thư (kinhtethitruong.info@gmail.com) hoặc số Hotline 0833558833