Công Phượng: 'Đến Yokohama là cơ hội cuối cùng'

Nhật BảnỞ tuổi 28, Công Phượng muốn nỗ lực chứng minh bản thân có thể thi đấu tốt tại môi trường đẳng cấp hơn nhiều Việt Nam, như J-League 1.

Công Phượng tập trung cao độ khi gia nhập Yokohama FC với ước muốn đạt được thành công nhất định tại Nhật bản. Ảnh: Yokohama FC

Công Phượng tập trung cao độ khi gia nhập Yokohama FC với ước muốn đạt được thành công nhất định tại Nhật bản. Ảnh: Yokohama FC

Công Phượng dồn sự tập trung cao độ cho lần xuất ngoại có thể là cuối cùng trong sự nghiệp. Anh ký hợp đồng ba năm với Yokohama FC để lần đầu chơi tại J-League 1, đưa cả vợ lẫn con trai sang Nhật Bản và xin không lên đội tuyển Việt Nam thi đấu AFF Cup 2022 để có nhiều thời gian nhất chuẩn bị cho mùa mới.

Trong cuộc trao đổi với báo chí Nhật Bản ngày 2/2, Công Phượng tin rằng đang ở trạng thái tốt nhất kể từ lần đầu đá chuyên nghiệp năm 2015. Anh cũng muốn thi đấu thành công trong màu áo Yokohama FC sau khi không thể hiện được nhiều ở những lần xuất ngoại trước tại Mito Hollyhock (Nhật Bản) năm 2016, Incheon United (Hàn Quốc) và Sint-Truidense V.V (Bỉ) năm 2019.

- Việc Công Phượng gia nhập Yokohama FC với bản hợp đồng ba năm là thời khắc lịch sử. Đây có phải bước tiến lớn cho sự nghiệp của anh nói riêng và bóng đá Việt Nam nói chung?

- Lúc này, tôi cảm thấy mình không còn trẻ để sợ bất cứ điều gì. Tôi hiểu rằng phải nỗ lực để thể hiện mọi thứ mình có. Tôi là thành viên của đội tuyển Việt Nam đã thi đấu với các cường quốc bóng đá châu Á từ Nhật Bản, Hàn Quốc đến các nước Trung Đông. Tôi cũng từng cùng HAGL tham dự AFC Champions League.

Tôi nghĩ rằng bản thân đang ở một trình độ đạt độ chín. Tôi nghĩ về tương lai, mong chờ được thể hiện vì sẽ không bao giờ có khoảng thời gian như thế này nữa. Việc chuyển đến Yokohama FC có thể là cơ hội cuối cùng tôi được thi đấu ở một môi trường vượt trội so với Việt Nam. Ba năm tới là khoảng thời gian hoàn hảo để cố gắng hết sức. Tôi thích môi trường xung quanh bóng đá Nhật Bản, và tin rằng môi trường ấy lẫn cuộc sống ở đây sẽ giúp tôi trưởng thành.

Tôi sẽ luôn chiến đấu vì Việt Nam. Việc thi đấu ở Nhật Bản không chỉ để phát triển bản thân, mà còn vì tôi muốn đóng góp cho bóng đá Việt Nam.

- Bảy năm trước, anh từng chơi cho Mito Hollyhock tại J-League 2, còn giờ sẽ thi đấu tại J-League 1 - cấp độ cao nhất. Công Phượng gặp khó khăn thế nào?

- Năm 2016, tôi thi đấu cho Mito Hollyhock. Đó là lần đầu tiên tôi ra nước ngoài thi đấu và là một thử thách thật sự khó khăn. Thời gian trôi đi, tôi cũng trưởng thành lên. Bây giờ, tôi có thể tự tin cạnh tranh ở J-League, không còn sợ thử thách nữa. Tôi muốn cố gắng hết sức và tận hưởng J-League 1 – giải đấu đỉnh cao của bóng đá Nhật Bản.

- Sự khác biệt giữa thời điểm đó và bây giờ là gì?

- Lúc đến Mito Hollyhock, tôi gặp chấn thương. Ở tuổi 21, tôi cũng mới bắt đầu thi đấu chuyên nghiệp. Tôi tràn đầy năng lượng và muốn đóng góp cho đội bóng nhưng lại thiếu kinh nghiệm. Lúc này, tôi còn nguyên tham vọng như ngày ấy, chỉ khác ở chỗ tôi đã được trải qua những trận đấu đỉnh cao ở Đông Nam Á và châu Á. Tôi coi việc đến Yokohama là cơ hội cuối cùng để thử thách bản thân ở cấp độ cao hơn.

Bản thân tôi đã có vài lần ra nước ngoài nên có kinh nghiệm thích nghi với môi trường khác nhau. Tôi đang học tiếng Nhật và tôi thích đồ ăn nơi đây. Ngoài ra, gia đình tôi cũng đến Nhật Bản. Tôi có thể thưởng thức bóng đá mỗi khi ra sân và dành thời gian cho gia đình sau mỗi trận đấu và buổi tập.

- Đợt tập huấn tại Miyazaki sắp kết thúc, hiện giờ thể trạng và sự hoà nhập của anh với toàn đội ở mức nào?

- Thể trạng của tôi đã khá hơn rất nhiều, cũng quen với cách làm việc của đội. Tuy nhiên, đội chỉ có một số người nói tiếng Anh, còn lại là tiếng Nhật nên có một chút rào cản về ngôn ngữ.

Tôi cố gắng nói chuyện với mọi người càng nhiều càng tốt thay vì chỉ một vài người cụ thể. Tôi không thể giao tiếp sâu với những đồng đội không nói được tiếng Anh, nhưng có thể nói những chuyện cười dễ hiểu. Không có nhiều người Nhật Bản sở hữu tính cách cởi mở, còn bản thân tôi cũng nhút nhát nên sẽ mất một thời gian để hoà nhập tốt hơn.

- Quá trình tập luyện có gì đặc biệt?

- Đây là lần đầu tiên tôi chuẩn bị lâu như vậy trước mùa giải. Trước đây, tôi thi đấu cho đội tuyển quốc gia và có ít thời gian để chuẩn bị cho mùa giải mới cùng CLB. Tôi rất vui vì được đón mùa giải mới tại Yokohama FC trong trạng thái hoàn hảo nhất.

Tôi đang chơi tiền vệ tại Yokohama. Tôi sẽ có thời gian để lựa chọn giữa việc kiểm soát, chuyền, rê bóng hay di chuyển vào khoảng trống. Thật vui khi ghi kiến tạo một bàn thắng trong quá trình giao hữu, nhưng điều quan trọng là kết quả của cả đội. Việc bạn ghi bàn cho riêng mình không quan trọng bằng chiến thắng của đội.

Công Phượng (hàng dưới ngoài cùng trái) đang học thêm tiếng Nhật để hoà nhập tốt hơn với các đồng đội. Ảnh: Yokohama FC

Công Phượng (hàng dưới ngoài cùng trái) đang học thêm tiếng Nhật để hoà nhập tốt hơn với các đồng đội. Ảnh: Yokohama FC

- Công Phượng được biết tới là một tiền đạo, vậy vị trí mới do HLV Shuhei Yomoda sắp xếp gây khó khăn ra sao?

- Khi còn thi đấu cho HAGL, tôi cũng đá tiền vệ nên không lạ lẫm với vị trí này ở Yokohama FC. Tôi cảm thấy mình cần phải thích nghi với vai trò kết nối bóng giữa hàng thủ và hàng công, phải di chuyển liên tục.

Ngoài ra, sự khác biệt về văn hoá cũng là rào cản. Khi tôi mất bóng ở Việt Nam, mọi người thường động viên cố gắng ở lần tiếp theo, nhưng Nhật Bản thì sẽ bị đổ lỗi nhiều hơn. Tôi sợ nó, hay nói đúng hơn là có suy nghĩ tiêu cực. Tôi cần vượt qua và làm quen với điều này.

- Trước anh, một số cầu thủ Thái Lan đã đến J-League 1 thi đấu. Công Phượng có nói chuyện với họ về việc đến Yokohama FC?

- Trước khi đến Nhật Bản, tôi đã gọi video với Chanathip Songkrasin. Thật vui khi được nói chuyện với anh ấy. Thực tế, cầu thủ Việt Nam ra nước ngoài thi đấu không nhiều, người đạt thành công cũng ít. Điều này gây áp lực lên một số cầu thủ Việt Nam đang thi đấu ở nước ngoài, trong khi người hâm mộ lúc nào cũng háo hức chờ đợi một cầu thủ thành công. Tôi cũng không phải ngoại lệ. Tôi thi đấu ở nước ngoài không chỉ vì bản thân mà còn đại diện cho Việt Nam.

- Anh đã nói những chuyện gì với Chanathip?

- Đó là một cuộc trò chuyện riêng tư nên tôi không thể tiết lộ. Trận Kawasaki Frontale của Chanathip và Yokohama FC của tôi chắc chắn sẽ rất hay. Tôi cũng chưa có cơ hội nói chuyện với một cầu thủ Thái Lan khác là Supachok Sarachat (Consadole Sapporo). Với tư cách một thành viên của Yokohama FC, tôi muốn nỗ lực hết mình để giành kết quả tốt nhất. Bóng đá là môn thể thao đồng đội, không phải cá nhân.

Hiếu Lương

Link nội dung: https://www.kinhtethitruong.vn/cong-phuong-den-yokohama-la-co-hoi-cuoi-cung-a160588.html